Điều ít biết về pho tượng Phật bằng gỗ lũa lớn nhất Việt Nam

Hotline: 0979279852
Email: mythuatthaihoa@gmail.com
Tin tức
Khi không gian sống là tác phẩm nghệ thuật

Điều ít biết về pho tượng Phật bằng gỗ lũa lớn nhất Việt Nam

    Điều ít biết về pho tượng Phật bằng gỗ lũa lớn nhất Việt Nam

     

         Gỗ lũa để tạc tượng được nhập nguyên khối từ châu Phi và những người thợ tài ba phải làm ròng rã 6 tháng trời mới xong bức tượng Phật…

     

     

    Xác lập kỷ lục tượng Phật bằng gỗ lũa nguyên khối lớn nhất Việt Nam

     

         Chùa Thắng Phúc (hay còn gọi là chùa Vọng Phúc) là một điểm đến tâm linh nổi tiếng của Hải Phòng. Chùa nằm bên bờ sông Văn Úc cạnh bến đò An Tháp, thuộc làng Mỹ Lộc, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng.

     

         Chùa hướng mặt ra biển Đồ Sơn, lưng tựa núi Voi An Lão. Từ trung tâm thành phố, đi qua cầu Khuể chừng 6-7 km là đến chùa. Chùa đang trong quá trình tu sửa và xây dựng lại.

     

         Điểm thu hút người dân cùng các Phật tử thập phương đến với chùa Thắng Phúc không chỉ ở sự linh thiêng, phong cảnh hữu tình mà còn bởi chùa đang sở hữu pho tượng Đức Phật Thích Ca nhập niết bàn bằng gỗ lũa nguyên khối lớn nhất Việt Nam.

     

         Đại đức Thích Quảng Minh – Trụ trì chùa Thắng Phúc chia sẻ, tượng được tạc từ một cây gỗ Cẩm Lai nguyên khối do một doanh nhân trẻ là người gốc làng Mỹ Lộc, đang sinh sống ở TP Hải Phòng cung tiến.

     

         Cây gỗ Cẩm Lai nguyên khối được vận chuyển từ Châu Phi về Việt Nam có kích thước “siêu khủng”: dài 7,85m, nặng 18 tấn và cao 1,85m. Nhận thấy đây là một cây gỗ quý nên Đại Đức Thích Quảng Minh đã cho tạc tượng.

     

         “Lúc nhìn thấy cây gỗ ở cảng Hải Phòng, tôi thấy hình dáng giống với tư thế Phật đang nằm, từ đó tôi lên ý tưởng tạc tượng Đức Phật Thích Ca nhập niết bàn”, Đại đức Thích Quảng Minh chia sẻ.

     

         Cây gỗ được chuyển đến xưởng mộc của một nghệ nhân có tiếng trong vùng. Công tác lên ý tưởng, tạo hình dáng và các hoa văn trên tượng đều do Đại đức Thích Quảng Minh tự làm. Tượng được 3 người thợ tay nghề cao, làm liên tục trong vòng 6 tháng mới hoàn thành.

     

         Đến ngày 10/3/2018, trụ trì chùa Thắng Phúc đã làm lễ khai quang an vị, lễ hô thần nhập tượng. Cùng ngày, pho tượng đã được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục Tôn tượng Đức Phật Thích Ca nhập niết bàn bằng gỗ lũa nguyên khối lớn nhất Việt Nam.

     

     

    Ngôi chùa cổ, từng bị phá hủy để phục vụ kháng chiến

     

         Chia sẻ thêm về ngôi chùa Thắng Phúc, Đại đức Thích Quảng Minh cho hay, chùa được xây dựng từ cuối thời Nhà Lý, có niên đại gần 900 năm.

     

         Trải qua các đời Lý – Trần – Lê – Nguyễn với ước tính khoảng 62 đời Sư tổ trụ trì, chùa tiếp tục được trùng tu và phát triển trở thành ngôi chùa đẹp nhất của vùng Duyên hải Bắc Bộ.

     

         Thời kháng chiến chống Pháp, vì là một ngôi chùa lớn nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, nếu để địch chiếm làm nơi đồn trú sẽ gây bất lợi cho quân ta. Năm 1947, chấp hành lệnh của Ủy ban kháng chiến, chùa Thắng Phúc đã buộc phải tiêu thổ hoàn toàn (tự phá hủy để quân địch không sử dụng được). Chùa cũng có 5 vị sư anh dũng hy sinh trong kháng chiến và được công nhận là liệt sĩ.

     

     

         Năm 2008, Đại đức Thích Quảng Minh về làm trụ trì chùa Thắng Phúc đã cùng với nhân dân và quý Phật tử gần xa tái thiết lại ngồi chùa trên nền đất cũ.

     

         “Hiện tại, chùa đã được quy hoạch và đang xây dựng với diện tích khoảng 6ha. Dự tính trong khoảng 5 năm nữa mới hoàn thành”, Đại đức Thích Quảng Minh chia sẻ.

     

         Theo ý tưởng ban đầu, chùa mới được xây dựng gồm có 3 khu thờ tự: Giáp bờ đê là cụm kiến trúc thờ thánh nhân như Vua Hùng, Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; chính giữa là cụm kiến trúc thờ Phật; giáp sông Văn Úc là cụm kiến trúc thờ Mẫu.

     

     

         Trong đó, cụm kiến trúc thờ Phật được tạo nên từ 700 khối gỗ và hàng ngàn khối đá với 85 gian thờ gồm 15 gian thờ chính và 70 gian Tổ đường, La Hán đường, Kim Cương đường... Trong ngôi Bảo Điện chính, Tổ đường, Kim cương đường có 25 pho tượng được làm bằng nhiều chất liệu. Nổi bật nhất là 2 pho tượng lớn được chế tác mang từ Thái Lan và Trung Quốc về.

     

         Kiến trúc bên ngoài khuôn viên chùa đều được đắp đá, chạm khắc tinh xảo theo mẫu chế tác truyền thống thời cuối Lê đầu Nguyễn bởi bàn tay nghệ nhân đến từ các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thừa Thiên Huế… Đặc biệt, 100 bức tượng La Hán bằng đá nặng tới vài tấn được đặt ở hai dãy hành lang típ tắp, kiến trúc theo lối cổ ấn tượng.

     

         Chùa Thắng Phúc sau khi hoàn thiện hứa hẹn sẽ trở thành một điểm đến tâm linh và tham quan du lịch không thể bỏ qua khi đến vùng đất Hải Phòng.